Giới Thiệu Thủy Sơn - Chốn Sơn Thủy Hữu Tình Ngũ Hành Sơn
Du Ngoạn Chốn Sơn Thủy Hữu Tình Ngũ Hành Sơn
Hầu hết du khách khi đến Đà Nẵng đều muốn ghé thăm Ngũ Hành Sơn -
vốn được xem như biểu tượng của vùng đất này. Không gian huyền ảo,
thơ mộng, đền chùa và hang động, cây cỏ, sóng vỗ … đã làm cho Ngũ Hành
Sơn trở thành cõi thiên thai dành cho du khách.
1. VỊ TRÍ NGŨ HÀNH SƠN
Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 8 km về phía đông nam, trên
một bãi cát mênh mông gần bờ biển, thuộc làng Hoà Khuê, ấp Sơn Thủy, huyện
Hòa Vang quận Ngũ Hành Sơn. Ngũ Hành Sơn với năm ngọn núi được nằm theo hệ
Ngũ Hành là một kiệt tác của thiên nhiên ban tặng cho thành phố Đà Nẵng.
Nhìn từ trên cao Ngũ Hành Sơn giống như một bàn tay của Trời ấn định nơi
đây là vùng đất thiêng.
Toàn cảnh Ngũ Hành Sơn nhìn từ xa
Những ngọn núi hình thành Ngũ Hành Sơn có tên lần lượt là: Kim Sơn, Mộc
Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (có hai ngọn) và Thổ Sơn
những ngọn núi nhỏ này được Vua Minh Mạng triều Nguyễn đặt tên hiện ngọn
núi này thuộc quận Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng.
2. TRUYỀN THUYẾT NÚI NGŨ HÀNH
Theo truyền thuyết của người Chăm, thuở xa xưa có một lão ngư (ở phương
Bắc bị đắm thuyền trôi dạt đến. Có sách ghi là một ẩn sĩ) sống giữa bãi
cát mênh mông bên bờ biển. Một hôm, lão ngư thấy một con giao long rất lớn
(có sách chép là nữ thần Naga) đến đây đẻ trứng. Bỗng từ đâu một con rùa
vàng hiện lên, tự xưng là thần Kim Quy, đào cát vùi quả trứng xuống, rồi
giao cho ông lão một cái móng chân của mình, và dạy cách trông coi trứng
rồng. Nhờ có móng rùa thần, mà ngư ông đã ngăn chặn được diều hâu và các
loài thú dữ đến xâm phạm nơi ấp trứng. Sau đó, quả trứng ngày một lớn dần.
Cho đến một hôm, trứng nở ra một thiếu nữ xinh đẹp (có sách ghi là nàng
tiên), và vỏ trứng tách thành năm mảnh, trở thành năm ngọn:
Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Vua Chăm nghe được câu chuyện ấy liền
cưới thiếu nữ làm vợ, còn Thần Kim Quy thì chở ông lão lên trời.
Vẻ đẹp hùng vĩ và kỳ bí của danh thắng Ngũ Hành Sơn
3. CÙNG NGŨ HÀNH SƠN LỘI NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ
Gần 200 năm trước, vua Minh Mạng đã từng đến đây. Ông đã tự mình đặt tên
cho núi, cho các hang động, chùa chiền. Không ai biết những cái tên như
Ngũ Hành Sơn, Huyền Không, Hóa Nghiêm, Lăng Hư, Tàng Chân, Vân Nguyệt,
Thiên Long… đã làm nhà vua phải suy nghĩ mất hết biết bao nhiêu thời gian.
Nhưng có một điều chắc chắn rằng, giữa những lo toan quốc kế dân sinh,
trong tâm hồn của con người này, cảnh trí Ngũ Hành Sơn đã chiếm một phần
quan trọng như một nỗi tự hào về một miền đất xinh đẹp.
Non nước hữu tình tạo nên một Ngũ Hành Sơn thơ mộng và trữ tình
Nơi đây, các dấu ấn văn hoá lịch sử còn in đậm trên mỗi công trình chùa,
tháp đầu thế kỷ XIX, trên mỗi tác phẩm điêu khắc Chàm của thế kỷ XIV, XV.
Những bút tích thi ca thời Lê, Trần còn in dấu trên các vách đá rêu phong
trong các hang động. Những di tích văn hoá lịch sử như mộ mẹ tướng quân
Trần Quang Diệu, đền thờ công chúa Ngọc Lan (em gái vua Minh Mạng), bút
tích sắc phong quốc tự còn lưu giữ tại chùa Tam Thai của triều Nguyễn, đến
các di tích lịch sử đấu tranh cách mạng như Địa đạo núi đá Chồng, hang Bà
Tho, núi Kim Sơn, hang Âm Phủ,… Tất cả chứng minh hùng hồn về một Ngũ Hành
Sơn huyền thoại, về một vùng đất địa linh nhân kiệt đầy chất sử thi.
4. KHÁM PHÁ 5 NGỌN NÚI TRONG NÚI NGŨ HÀNH
Những ngọn núi này bao bọc quanh mình nó rất nhiều những huyền thoại khác
nhau. Không gian thơ mộng của cảnh trí và vẻ bãng lãng cổ tích của những
câu chuyện cổ đã mang lại cho Ngũ Hành Sơn cái ý vị mà ít nơi nào có được.
Trong tư duy triết học của Trung Hoa, Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ
là những yếu tố cấu thành vũ trụ. Con số 5 là con số cực kỳ quan trọng
trong tư duy và trong đời sống phương Đông. Nhìn như thế, trong sự trùng
hợp ngẫu nhiên, 5 ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn tự
trong mình nó đã hàm chứa những vẻ kỳ bí dị thường.
Chiêm ngưỡng Động Hoa Nghiêm - Ngũ Hành Sơn
Kim Sơn:
Kim Sơn nằm ở phía đông nam, bên bờ sông Cổ Cò. Đi thuyền trên sông, du
khách có thể ngắm bóng núi, bóng chùa in trên mặt nước phẳng lặng. Tại đây
xưa có Bến Ngự, nơi thuyền Vua cập bến mỗi khi du hành Ngũ Hành Sơn. Nay
bến xưa không còn nhưng cạnh chùa Quan Âm người ta vừa tìm thấy một cột
lim neo thuyền ngày xưa.
Ngay dưới chân ngọn Kim Sơn có một hang động dài hơn 50m, rộng gần 10m,
cao khoảng 10 – 15m. Lối vào động là những bậc đá tự nhiên, bên trong là
những lớp thạch nhũ bám vào vách núi tạo thành hình tượng Quan Thế Âm Bồ
Tát Cao Bằng người thật rất thanh tú. Tượng thạch nhũ này còn sinh động
hơn nhờ một lớp nhũ đá lấp lánh như dải kim tuyến phủ từ bờ vai đến gót
chân tượng. Dưới chân tượng là một con rồng đang cuộn mình giữa những làn
sóng.
Đặc biệt, phía sau Bồ Tát còn có một hình tượng nhỏ hơn trông như Thiện
Tài đồng tử và bên trái là hình chim Khổng Tước, hai cánh xoè rộng toả
khắp trần động. Có thể nói đây là bức phù điêu tuyệt mỹ mà thiên nhiên đã
ban cho Kim Sơn. Sau khi phát hiện ra động (1950), hoà thượng Thích Pháp
Nhãn đã cho mở rộng lối vào động và xây dựng chùa Quán Thế Âm. Chùa dựa
lưng vào ngọn Kim Sơn, ngoảnh mặt ra khúc sông đầy hoa sen thơm ngát. Hàng
năm vào mùa lễ hội đầu xuân (19/2 âm lịch), chùa mở hội lấy tên là Hội
Quán Âm.
Đường lên Ngũ hành Sơn đi giữa những vách đá đầy mầu sắc
Xem thêm:
Đặc Sản Bánh Xèo Quảng Nam
Mộc Sơn:
Mộc Sơn nằm ở phía đông, sát biển, gần hòn Thuỷ Sơn. Phía đông và
nam là động cát, phía bắc là ruộng và phía tây là xóm làng. Tuy thuộc hành
Mộc nhưng tại đây lại rất ít cây cối. Đỉnh núi đá bị xẻ thành những răng
cưa giống như cái mồng gà trống nên có thể vì vậy mà còn có tên núi Mồng
Gà.
Trên hòn núi này không có chùa chiền, chỉ có một khối đá cẩm thạch màu
trắng trông tựa người đang ngồi. Người địa phương gọi là Cô Mụ hay Bà Quan
Âm. Dưới chóp núi 10m có một kẻ đá rộng chạy ngang phía nam.Trong núi có
một động nhỏ, tương truyền ngày xưa có một người đàn bà tên là Trung tu ở
đó nên có tên là động Bà Trung. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và
chống Mỹ cán bộ và nhân dân địa phương thường vào đây để tránh máy bay
địch.
Đến Ngũ hành Sơn bạn sẽ được thăm thú hệ thống chùa chiền cổ kính dược
xây dựng từ Thế kỷ XVIII
Thủy Sơn:
Thuỷ Sơn nằm ở phía đông bắc là núi đẹp nhất, du khách thường đến ngoạn
cảnh gọi là Chùa Non Nước, phong cảnh hữu tình có thể nói núi Thủy sơn nằm
dài từ đông sang tây rộng 15 ha, có nhiều Chùa được xây cất lâu đời, có
động Thạch nhũ, có hai chùa đẹp chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng, đường lên
núi làm bằng từng cấp lót đá, trên đỉnh 3 ngọn núi mang tên là "Tam Thai"
bởi vì nó giống như "Sao Tam Thai" tức là 3 ngôi sao làm thành cái đuôi
của chùm sao Đại Hùng Tinh. Du khách từ vùng biển muốn lên thăm Linh Ứng
phải bước lên khoảng 108 tầng cấp, nếu đến chùa Tam Thai nằm ở phiá nam
phải đi xa hơn những tầng cấp dài 156 bậc. Ngày nay phần lớn du khách đến
Thuỷ sơn bằng xe từ đường Huyền Trân, hai bên đường là làng chuyên về nghề
điêu khắc tạc tượng, bằng đá cẩm thạch
Du khách chinh phục ngọn Thủy Sơn
Hỏa Sơn
Hoả Sơn gồm 2 ngọn và một đường đá nhô lên nối liền chúng với nhau. Ngọn
phía tây gần Kim Sơn là Dương Hoả Sơn, nằm trên bờ sông Cổ Cò. Ngày xưa,
khi Đà Nẵng và Hội An còn giao lưu bằng đường thuỷ, ở đây có một ngã ba
sông, ghe thuyền qua lại vô cùng tấp nập.
Trên sườn núi phía tây, mặt hướng về phía bắc, đối diện với Kim Sơn có lớn
xuất hiện vùng vẫy trên bãi cát và một quả 3 chữ Hán rất to được khắc vào
vách đá “Dương Hoả Sơn”. Trong núi Dương Hoả Sơn có các hang và chùa Phổ
Sơn Đà. Còn ngọn ở phía đông, gần đường đi Hội An là Âm Hoả Sơn với chóp
núi nhô cao, sườn núi có nhiều thớ đá nằm nghiêng và chạy ngang tạo thành
lát cắt, mỏm núi phía đông có một hang đá thông từ sườn phía nam ra sườn
phía bắc. Cây cối mọc xen dày ở các kẽ đá.
Du ngoạn tháp Phổ Đồng
Thổ Sơn:
Thổ Sơn là ngọn núi nằm ở phía bắc hòn Kim Sơn và phía tây hòn Thủy Sơn.
Đây là ngọn núi đất, thấp nhất nhưng cũng dài nhất, trông như một con rồng
nằm dài trên bãi cát. Phía tây Thổ Sơn là đoạn sông Ba Chà. Núi có hai
tầng, lô nhô những khối đá trên đỉnh, nhất là ở sườn phía đông. Sườn phía
bắc dốc hơn, có những vách đá dựng đứng, hẹp và thấp. Thân núi có một lớp
cỏ mỏng bao phủ để lộ nhiều chỗ màu đất sét đỏ có nhiều gạch cổ thời Chiêm
Thành.
Trong núi có một cái hang cửa quay về phía tây nam, ăn sâu vào trong núi
có tên là hang Cóc hoặc hang Bồ Đề. Ngách vào hang rất hẹp, chỉ đủ một
người lách qua. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cán bộ,
chiến sĩ và nhân dân địa phương đã coi hang Bồ Đề như là một địa đạo thiên
nhiên, một địa điểm chống càn, bảo đảm an toàn trong mọi tình huống.
Trên vách đá bên cạnh ngôi chùa có một khối đá lớn cao chừng 30m có hình
dáng gần giống hình tượng Phật Di Lặc. Theo Phật giáo thì Phật Di Lặc là
Phật Vị Lai thuyết pháp tại hội Long Hoa nên chùa lấy tên là chùa Long
Hoa. Chùa thờ Phật Di Lặc ở trước, phía sau cao hơn là Phật Thích Ca, hai
bên là Bồ tát Quán Thế Âm và Địa Tạng.
5. THAM QUAN CHÙA TAM THAI
Ở phía tây ngọn Thủy Sơn, một trong năm ngọn núi nổi tiếng của Ngũ Hành
Sơn. Chùa Tam Thai giống như “Sao Tam Thai” tức là 3 ngôi sao làm thành
cái đuôi của chùm sao Đại Hùng Tinh. Khi đến Vọng Giang, du khách có thể
phóng tầm mắt nhìn thấy dòng sông Cẩm Lệ, dòng sông Hàn đẹp như tranh vẽ…
Du khách từ vùng biển muốn lên thăm Linh Ứng phải bước lên khoảng 108 tầng
cấp, nếu đến chùa Tam Thai nằm ở phía nam phải đi xa hơn những tầng cấp
dài 156 bậc.
Tham quan chùa Tam Thai
6. BÃI BIỂN NON NƯỚC
Dài 5km có khu du lịch với đồi thông thoáng mát dưới Ngũ Hành Sơn. Bãi tắm
cát trắng mịn, có độ dốc thoai thoải, sóng êm. Nước biển không bị ô nhiễm,
trong sạch, cuốn hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với du lịch Đà
Nẵng. Nét đặc trưng của biển Non Nước là với các tố chất có được từ độ
sóng, khí hậu, thời tiết, độ mặn… nên rất phù hợp với các loại hình thể
thao trên biển, nhất là môn trượt sóng (surfing).
Mênh mang đất trời với biển xanh cát trắng của bãi biển Non Nước
Năm 1993, tại đây đã diễn ra cuộc thi trượt sóng quốc tế với sự tham gia
của gần 40 vận động viên đến từ nhiều nước trên thế giới. Dọc bãi biển,
phía trên nền cát trắng là rừng phi lao nhiều năm tuổi xanh tốt, râm mát,
vi vu gió thổi. Đây là nơi nghỉ ngơi, cắm trại, dã ngoại lý tưởng. Sau
những lần thám hiểm và vui chơi, bạn có thể thư giãn bằng các liệu pháp
xông hơi, jacuzzi và sauna. Khi màn đêm buông xuống, trăng lên, bạn có thể
thả mình trên những chiếc ghế dài êm ái ven biển, lắng nghe tiếng sóng
biển du dương và tận hưởng không gian huyền ảo.
Nét êm đềm, đằm thắm của bãi biển Non Nước nhìn từ núi Ngũ Hành
Bãi biển Non Nước còn có nhiều đặc sản biển tươi ngon như mực, tôm, cua,
ốc… để bạn thưởng thức; có các loài rong tảo quý hiếm như rong câu chỉ
vàng, rong câu chân vịt có giá trị xuất khẩu cao.
7. GHÉ THĂM LÀNG ĐÁ MỸ NGHỆ NON NƯỚC
Làng đá nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn thuộc phường Hòa Hải - Q. Ngũ Hành
Sơn, được hình thành vào thế kỷ XVIII do một nghệ nhân đến từ Thanh Hóa
tên là Huỳnh Bá Quát sáng lập. Nguyên liệu làm ra các sản phẩm là loại đá
cẩm thạch có nhiều vân ngũ sắc rất đẹp và sang trọng.
Tham quan làng đá mỹ nghệ Non Nước
Tham quan làng đá, bạn không khỏi thán phục trước các tác phẩm nghệ thuật
được chế tác từ đá, mỗi tác phẩm đều thể hiện nét tài hoa, tinh tế của các
nghệ nhân. Tác phẩm thường có đủ loại hình thù của vạn vật, đặc sắc nhất
là tượng các vị Phật, vị Thánh, Chúa, thần Vệ Nữ, các con vật huyền thoại
như kỳ lân, rồng rồi đèn đá và các đồ trang sức bằng đá…
Các tác phẩm nghệ thuật được chế tác từ đá, mỗi tác phẩm đều thể hiện
nét tài hoa, tinh tế của các nghệ nhân
Những sản phẩm tinh xảo và độc đáo của làng đá mỹ nghệ Non Nước
Du ngoạn với Ngũ Hành Sơn, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian
của những lễ hội, của phong cảnh hữu tình, của làng nghề nhộn nhịp…, mà
còn có được một kỳ nghỉ dưỡng lý tưởng bên bãi biển Non Nước. Ngũ Hành Sơn
được ví như hòn non bộ khổng lồ giữa lòng thành phố Đà Nẵng. Cùng với Bà
Nà, Sơn Trà, nơi đây được xem là điểm dừng chân hấp dẫn đối với khách du
lịch mỗi khi đến với miền Trung trên hành trình khám phá các di sản thế
giới.
Ngũ Hành Sơn làm cho du khách như rũ sạch bụi trần, thoát vòng tục lụy đi
vào chốn bồng lai tiên cảnh. Bên cạnh, những giá trị văn hóa tâm linh đã
góp phần làm nên sự kỳ ảo và hấp dẫn mà một khi đã đến bạn sẽ không thể
nào quên.
written by : Mytour.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét